Bài mới nhất

       Khi còn ở phổ thông, tôi liên tục được nghe rằng cuộc sống sinh viên sẽ thú vị lắm, lên đại học sẽ nhàn hơn. Tôi cũng luôn muốn thoát khỏi những ngày tháng ôn thi vất vả căng thẳng để có thể chạm tới khoảng trời mới kia. Tuy nhiên, cuộc sống sinh viên trong tưởng tượng và thực tế cũng có đôi chút khác biệt. Có lẽ khoảnh khắc hạnh phúc nhất là biết tin mình đã đỗ được ngôi trường Đại học mong muốn, vì vậy mà tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên của mình tại Naem. Mười hai năm đèn sách cuối cùng tôi đã có thể đạt ước nguyện theo ngành mình muốn học.



"Trước khi đặt đôi chân lên cánh cửa trường Đại học, tôi nghĩ về những điều tươi đẹp sắp đến. Rằng sẽ có những người bạn mới, việc học cũng bớt áp lực hơn so với cấp 3, thành phố sẽ có nhiều thứ vui nhộn hơn hay những cơ hội lớn hơn đối với bản thân. Tuy nhiên, chỉ khi thực sự bước vào cuộc sống mới ấy, tôi mới hiểu được khó khăn cũng rất nhiều ..."

Thời gian còn là học sinh, tôi sống với cha mẹ. Các anh chị tôi đi học xa từ khi tôi chuyển cấp. Tôi cũng như những bạn trẻ khác đều được bố mẹ chăm sóc, yêu chiều nâng niu vì là con út. Nhưng nay khi lên Đại học, với những bạn trẻ khác phải tự gồng gánh, lo toan cho cuộc sống của mình. Nếu như hồi còn ở nhà, đi học về đã có bố mẹ lo cơm nước, chỉ việc ăn xong rồi lại đi học. Còn bây giờ, đi học về phải tự chuẩn bị cơm tự ăn tự dọn, thậm chí có những hôm phải ăn ngoài hoặc bỏ bữa – lời kể của những bạn tôi, phải tự lo liệu, xếp sắp việc học tập và sinh hoạt của mình. Thật may mắn, khi lên ĐH, tôi được bố mẹ, gia đình gửi gắm vào một cộng đoàn tu, được sinh hoạt, học tập cùng với các dì, khi đi học về được các dì, các chị nấu cơm cho ăn sẵn sàng, có hôm về muộn mọi người phần lại cho mình suất cơm, mà suất phần là những sự lựa chọn thức ăn ngon hơn tất. Tôi nhớ những khi tôi ốm, bị tụt huyết áp, các dì, các chị đã chăm sóc, quan tâm động viên tôi, như những người bố người mẹ khi ở nhà. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc vô cùng.

 Không những được chăm sóc về mặt thể xác, ở đây, tôi còn được chăm sóc về mặt tâm hồn, về mặt thiêng liêng, vì ở nhà cộng đoàn nhà tu với các dì nên tôi được cùng mọi người tham gia giờ kinh chung, giờ chầu, giờ sinh hoạt chung, đi lễ hàng ngày và rước mình Thánh Chúa mỗi ngày. Tôi được gần Chúa và gặp Chúa nhiều giờ hơn. Nhờ đó tôi đã được ơn biến đổi của Chúa, nhận ra được chính bản thân mình một cách sâu xa hơn chứ không hời hợt sống qua ngày.

Tuy vậy, đôi lúc tôi cũng cảm thấy trống trải và nhớ nhà, tôi nhớ bố mẹ khi ở nhà phải vất vả hơn, đi làm về đã mệt nhọc phải lo nấu cơm nước dọn dẹp nữa… Tôi không giúp được gì cho bố mẹ ….Tôi nhớ bố mẹ, nhớ những cái ôm, sự thân mật, nhớ những ngày, đêm cùng ngủ với mẹ, được vui đùa hài hước với bố…Tình cảm thiêng liêng ấy.. ôi !...Khi xa nhà, tôi mới thêm trân trọng thời gian ít ỏi được nghỉ về nhà với gia đình. Lại có những lúc cảm thấy quá mệt mỏi nhưng lại không thể bỏ hết việc học mà chạy về nhà được. Như lời bài hát của ca sĩ Đen Vâu, anh đã hát rằng bước ra ngoài mới biết không ở đâu bằng ở nhà… 

Chúng ta chỉ mong được lên thành phố, được tự do, được thay đổi bản thân, được cùng bạn bè đi khắp nơi khám phá những chỗ mới mà không bị quản thúc thế nhưng thực tế lại khác xa bởi suy nghĩ của ta còn trẻ, nếu được nghỉ lại chỉ muốn bắt xe về nhà thôi.

Có lần tôi hỏi bạn mình rằng: “bình thường 1 tháng về nhà mấy lần?”

“Tao không về được, nhà xa lắm, mấy tháng mới 1 lần về bởi nhà tao đi gần một ngày mới tới ...” Nhớ nhà mà không thể về …

Tôi im lặng cảm thấy mình vẫn may mắn vì chỉ cách nhà của mình 2 giờ đồng hồ nhưng nhiều khi bị mệt lúc lên xe, mẹ thấy tội nên bảo ở lại vì về tới nhà quay đi quẩn lại 2 ngày lại phải lên đi học … Nhớ lắm, nhưng lại thôi.

Điều tôi sợ nhất đó là nghe giọng bố mẹ khi trầm xuống, vì bố mẹ tôi là người giấu cảm xúc rất giỏi, chỉ lo làm lụng , mọi thứ dành dụm cho con cái mà ít khi lo cho bản thân mình. Vì là con gái út nên khi nào gọi về mẹ và bố cũng hỏi  ăn cơm chưa em ”nhớ ăn uống đầy đủ nhé“ cứ lo học hành cho tốt không phải lo ở nhà đâu nhé” … sợ nhất không phải là sợ hãi mà là cảm giác nghe cha mẹ ở nhà 2 thân buồn tủi, bị ốm mệt cũng không kêu ca gì, mình chẳng được thấy và bất lực khi muốn về nhà nhưng không thể về, muốn được thấy và quan tâm động viện bố mẹ lúc ấy nhưng không được. Bị ốm cũng không thể nỡ gọi vì sợ sự lo lắng của mẹ làm người ăn không ngon, ngủ không yên giấc. Nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt của 2 người tôi lại càng cảm thấy lo sợ, lo vì mình chưa làm được gì cho cha mẹ, sợ vì bản thân không đủ chín chắn.

Nói về bạn bè đồng trang lứa, tôi không có bạn thân, tôi chơi với tất cả mọi người và trong một giới hạn nhất định.

Người mà tôi coi là bạn thân của đời tôi đó là Chị gái. Chị là người mà tôi có thể chia sẻ được tất cả mọi chuyện trên thế giới này, chuyện học tập, đời sống, những vướng mắc cuộc sống…. luôn là người lắng nghe và đồng hành cùng với tôi những lúc vui, buồn và cả những biến cố nữa. Chị là liều thuốc chữa lành tâm hồn tôi, đã dẫn dắt tôi đến với vùng cao, đến với những con người chân chất và đơn sơ, để tôi được cảm nhận và bù lấp những khoảng trống yếu đuối trong tâm hồn đầy rung động. Và cả hơn thế nữa, tôi luôn được chị động viên an ủi, vỗ về như người mẹ thứ hai. Nếu như ngày bé, tôi là người hay bị la mắng nhiều nhất vì tôi cũng không thích chị bởi chị nghiêm khắc và thẳng thắn và tôi đã có những hành động hỗn láo với chị, thì giờ đây lại rất yêu thương, đùm bọc với nhau nhiều… Tôi trân trọng điều ấy!

Khi đã bước ra ngoài, xa rời vòng tay của bố mẹ, tôi mới thấy mình yếu đuối bé nhỏ làm sao, không dựa vào bố mẹ mãi được, phả tự lập, phải lo lắng và có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Dù có xa gia đình, xa bố mẹ, anh chị em cách trăm ngàn vạn cây số, nhưng tôi luôn nghĩ mọi người vẫn thường trực hiện hữu trong trái tim tôi, ….

Việc trở thành một sinh viên  có lẽ đánh đổi nhiều thứ nhỉ?!

Nhưng sau tất cả những thứ đó, tôi nhận ra được rất nhiều điều. Thì ra tôi quan tâm và trân trọng gia đình nhiều hơn tôi tưởng, thì ra tôi để ý đến những điều nhỏ nhặt của cha mẹ nhiều hơn, thì ra sống tự lập không hề đơn giản nhưng không thể không làm mà bắt buộc bạn phải đứng dậy để lớn thôi, thì ra chỉ cần quyết tâm và có định hướng chúng ta sẽ đi đúng đường, thì ra cứ "vùng vẫy" chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp cho vấn đề của mình, thì ra cuộc sống sinh viên có rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng lại có vô vàn những điều thú vị để tôi khám phá… “kiên nhẫn” là hai từ mà tôi học được từ đây.

               Ngày hôm nay khi tôi ngồi xuống viết những dòng chữ này là chính thức đã  trải qua 1 năm của cuộc sống sinh viên. Tôi hy vọng những ngày tháng sau này của đời sống tôi vẫn luôn kiên tâm, mạnh mẽ, can đảm sống với bằng cả ước mơ và đam mê cháy bỏng của mình.

“Con có thể quên tất cả, nhưng đừng bao giờ quên ước mơ của mình”

– Phim “ Làm giàu với ma “

Rose 9/9/2023 – 18/9/2024

 

 


 


          Năm học mới bắt đầu, những em học sinh hào hứng trở lại trường sau những tháng hè dài. Tôi cũng quay trở lại với những dự án giáo dục đã ngưng trệ từ sau tình hình dịch bệnh và hoàn cảnh địa phương. Và trở lại với những học trò thân yêu của mình.

           Trong suốt những năm qua, khi làm giáo dục tôi luôn thao thức rằng những đứa nhỏ cần được giáo dục tốt nhất từ ngay chính những tổ ấm nhỏ của mình. Những bài học nhân bản đầu tiên, những lời nói yêu thương đầu đời và cả những cử chỉ nồng ấm mà chính những thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Năm nay, tôi phải cảm thấy rất may mắn vì trong hành trình hoàn thành những dự án giáo dục của mình, tôi được gặp và dạy một cô học trò rất đáng yêu và thông minh. Cô gái ấy tên Lê Phương Thảo Trang (Tracy).



          Tôi có đọc ở đâu đó câu nói như này: Education is the best friend. An educated person is respected everywhere. Education beats the beauty and the youth. (Giáo dục là người bạn tốt. Một người có giáo dục được tôn trọng ở khắp mọi nơi. Giáo dục điều khiển vẻ đẹp và tuổi trẻ). Tracy là một cô gái đúng chất "con nhà được giáo dục" bởi ngay từ lần đầu tiếp xúc, những cử chỉ lễ phép, lịch sự, nhanh nhạy và thông minh đã toát ra làm cho bất kỳ ai khi tiếp xúc cũng sẽ yêu quý em ấy. 

          Mối lương duyên cho tôi gặp em ấy là từ người bác của em. Trong một lần tôi chuyển đồ đi từ thiện ngoài Tây Bắc, vì không có xe để chở ra bưu điện để gửi thì bác của Tracy đã nhận chở giúp tôi. Cũng từ ấy, tôi cảm động trước những việc làm đầy từ tâm, không tính toán và rất lương thiện từ đại gia đình bé. Rồi sau đó tôi tiếp xúc với bà ngoại của em, một con người miền Trung đúng nghĩa chất phát, chịu thương chịu khó, và thật tử tế. Dù cuộc sống hiện tại đã khá giả nhưng bà vẫn cộng tác cùng các con, cháu để làm việc và chăm lo từng chút một. Mẫu gương, trụ cột ấy trong gia đình bé rất đáng để người khác nhìn vào. Và sau ấy, tôi đã có cơ hội nói chuyện với mẹ của em- một con người hiền hậu, tốt lành, hài hòa đúng với cái tên của chị ấy. Trong xóm, tôi thường chơi với tất cả các bé nhỏ nên chuyện tôi thương quý ai hơn cũng là điều đơn giản bởi qua cách các em ấy chơi và học sẽ nhìn rõ ra ai là người nhạy bén thông minh và ngoan ngoãn. Tôi thương Tracy trong một cuộc chơi, khi em ấy bị các bạn lớn hơn chọc ghẹo, em đã rất thẳng thắn nói lại. Cách hành xử đó làm cho tôi rất ấn tượng, một con người rất mạnh mẽ, gan dạ đúng với tên Tracy mang ý nghĩa chiến binh của em. Trong Kinh Thánh có nói về việc “xem quả thì biết cây”, càng về sau này khi dạy em ấy, biết tới cả ông nội 93 tuổi làm giảng viên Toán học và cũng làm trong ngành giáo dục vẫn còn minh mẫn, sáng suốt và luôn khuyên dạy cháu hiếu học. Tôi biết rằng mình thật may mắn khi được dạy học cho em và được tiếp xúc nhiều hơn với gia đình tốt đẹp này.

        Em học trường quốc tế (Anne Hill International School) từ nhỏ nên chuyện viết và đọc Tiếng Việt em chưa được rành, em đã 7 tuổi. Tôi nhận dạy em trong suốt mấy tháng hè và tôi vô cùng ngạc nhiên mỗi ngày khi em ấy tiến bộ vượt bậc. Chúng ta luôn đặt nặng những vấn đề khác ngoài chất lượng lên cách dạy học cho con trẻ nên vô tình phần nào đó đã làm cho con trẻ bị hạn chế rất nhiều trong cách phát triển. Phương pháp của tôi là dùng yêu thương trong công việc giảng dạy. Không phải là cợt nhả hay không nghiêm túc, cũng không phải là dễ dãi cho qua, hay là để lấy lòng bất cứ người nào. Cách ấy chỉ đơn giản là: chia sẻ lại những kinh nghiệm trên đường đời học hành của mình đã qua, những gì mình vấp và đứng lên, những bài học từ cuộc sống và con người. Những điều này rất dễ chạm vào nơi những tâm hồn đơn sơ từ con trẻ. Thực ra, giáo điều, giáo huấn hay kiểu cách dạy đời cũng đã từ lâu là điều không hề tốt vì chẳng thể hiểu được tâm thế người nghe, đôi khi gây ra những hậu quả không hay.



        Tracy tiếp thu rất nhanh những bài học tiếng Việt, em nhớ rất lâu và rất sáng tạo. Từ đó, tôi cho em phát huy hết những khả năng ấy, cho em thực hành những gì gần gũi nhất, từ việc đọc được tin nhắn trên điện thoại, đọc những tấm bảng quảng cáo ngoài đường hay trên những sản phẩm em được bố mẹ mua cho. Đó là thói quen tạo nên niềm yêu thích tiếng Việt cho một cô bé quốc tế từ nhỏ như vậy. Có những khi học, em ấy hay hỏi tôi những điều rất thú vị và những câu nói làm tan chảy trái tim với giọng nói ấm áp tình cảm “Cô ơi, con nhớ cô lắm, con muốn học tiếng Việt cô dạy thật lâu”. Rồi là cả những câu như “cô mới quan trọng còn những thứ khác thì không quan trọng bằng”…Những lời nói mà chẳng ai phải mớm vào môi miệng em ấy toát ra một cách rất dễ mến và đầy yêu thương trong một bầu không khí gia đình tràn đầy tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Hiện tại, em ấy đã vượt được mục tiêu trong việc học tiếng Việt và vẫn luôn đạt xuất sắc trong các môn học bằng tiếng Anh ở trường quốc tế và tính cách, cử chỉ thông minh ngoan ngoãn của em thì mãi thế. Tracy là một cô gái nằm trong top những cô cậu học trò đạt cả về trí và tâm. Ước mong rằng, nền tảng tốt đẹp hiện tại là cánh cửa mở ra những con đường mới thật rộng mở cho em ấy.

       Giáo dục đúng nghĩa là một người bạn của mỗi người, người có giáo dục tốt là người được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh, mà gia đình là cái nôi lớn nhất ấy hình thành cho con trẻ những lời nói, cử chỉ, hành vi sau này. Khi giáo dục con trẻ bằng đòn roi, bằng vũ lực, bằng lời nói đay nghiến hành hạ, chì chiết cũng là một hành vi bạo lực gia đình. Việc để cho con trẻ thỏa sức được sáng tạo trong bầu khí đầy yêu thương thực chất là bổn phận của cha mẹ trong xã hội hiện đại, không phải là tiền bạc hay yêu thương bằng roi bằng vọt vì những cách thức ấy không còn tác dụng nhiều trong xã hội này mà sẽ làm con trẻ trở nên những con người vô trách nhiệm và đi lùi lại phía sau.

Hoàng Anh


 

Ông- một đời tín trung phó thác

Sau kì nghỉ Tết sum vầy, đại gia đình tôi liên tiếp nhận hai tin buồn đó là sự ra đi của ông nội và người bác rể cả. Khi ông nằm xuống, bao kỉ niệm ùa về trong mỗi giai đoạn lớn lên và trưởng thành của tôi cứ thế mà trực trào nước mắt. Tôi khâm phục sự kiên cường của ông, niềm khao khát sống mãnh liệt tín trung với Chúa và Đức Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Những bài học đức tin và sống đạo ông dạy những anh em thế hệ con cháu chúng tôi không bao giờ quên. Các cụ tôi có truyền thống đạo đức từ xa xưa, các cụ làm quản giáo rồi làm trùm, đào hầm cho các Linh mục, thầy giảng chạy loạn, ẩn nấp dạy giáo lý và Trao Mình Thánh Chúa. Khi ông nội tôi lên 7 tuổi thì cụ nội mua trùm cho ông. Mua trùm theo lời kể của ông là:

Anh em trùm trưởng xôi xì

Lòng tôi cũng muốn nhưng vì không xu

Trùm nhớn trùm bé lại trùm cu

Nếu không có trùm cu thì gọi chẳng có xu nào.

"Mua trùm" theo các cụ ngày trước thể hiện truyền thống làng xã, theo đạo thì là truyền thống đạo đức, cho con cái ở với các cha để sống đạo và giữ đạo rồi về lo gầy dựng đức tin nơi quê hương. Gia đình nào có tiền thì mua trùm cho con từ 7 tuổi, ai ai cũng gọi là trùm dù nhỏ tuổi, nhà nào không có tiền 50 tuổi cũng không kể là gì. Ông được các cụ cho đi học, ở cùng các cha ở trường Lê Bảo Tịnh. Vì là con một nên cụ tôi cho ông về lấy vợ. Ông bà trồng trầu, nấu rượu và dạy giáo lý cho mọi người. Hồi ấy bắt đạo gay gắt, mỗi lần đánh kẻng học giáo lý là có hàng xóm ngoại giáo đi báo chính quyền. Khi ông đi bán trầu thì họ bắt ông ở giữa đường rồi cho người tới cuốc hết nền nhà xem có lưu trữ hay cất giấu sách vở giáo lý gì hay không. Ông đi tù chính trị 7 năm, bị đày từ Ba Sao lên Phú Thọ. Mỗi bữa ông được ăn 63 hạt ngô. Có những bạn tù hình sự thì bị đánh đập nhiều hơn, bị bỏ đói và hay xin vỏ ngô hay khoai của ông để ăn nhưng ông không cho vỏ mà nhường cả phần khoai ngô của mình cho họ. Vào tù, ông gặp được những quản giáo, thanh niên Công Giáo xung phong rồi quy tụ mọi người đọc kinh, giữ

đạo. Ông có người bạn tù tri kỷ mà mãi sau này về vẫn tìm thấy nhau dù ngăn sông cách trở. Để giờ đây, đại gia đình chúng tôi có thêm những người ông, người bác và anh chị em thêm nhiều ở miền Hải Hậu Bùi Chu để mỗi lần quy tụ, chúng tôi bị cuốn vào những câu chuyện li kỳ của các ông . Khi đi tù, ông xin nửa chiếc chăn gụ của cụ để đem theo và khi về thì gửi lại cụ. Cụ quỳ sụp xuống cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ con trai của mình trở về bằng yên. Và có lẽ từ ấy, ông phó mình cho Đức Mẹ luôn luôn. Chiếc chăn ấy còn giữ mãi về sau này như bằng chứng lịch sử thời cuộc gian khổ bắt đạo của ông kể mãi với con cháu về tinh thần giữ đạo và sống đạo.

Khi đi tù về, ông bà tiếp tục làm trầu và ông chuyên lo phụng sự nhà Chúa qua nhiều thập kỷ, ông làm trùm Thánh Thể đến kiến thiết nhà thờ. Bà nội mất sớm nên những câu bổn đạo cũm được ông dạy rồi sau bố dạy mà tôi nhớ tới giờ như:

Hỏi: Phải làm thế nào cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng?

Thưa: Phải giữ Đạo thánh Đức Chúa Trời.

Hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng nào?

Thưa: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật cùng hằng gìn giữ cai trị mọi sự...

Những câu bổn khắc ghi vào hồn cốt thế hệ con cháu chúng tôi, ông khuyên răn chúng tôi cậy trông vào Chúa luôn mãi, dâng mình cho Đức Mẹ và chăm lần hạt Mân Côi. Chúng tôi được giữ gìn an lành tới giờ qua nhiều biến cố chắc hẳn là những lời cầu xin tha thiết của ông luôn ước cầu cho chúng tôi.

Chúng tôi ở gần ông nên mỗi khi ông đi ăn cỗ về đều lấy phần, có khi là quả trứng vịt lộn, là quả quýt nhỏ, là miếng giò, ông đạp xe về nhà tôi, dựng xe và ngồi ở hiên đợi chúng tôi đi học về cho. Thành thói quen, có đám nào ở quanh làng là chúng tôi luôn hóng quà của ông. Mỗi lần thay bánh lễ ở nhà thờ, ông dồn bánh cho vào ống bơ và mang về cho chúng tôi. Tụi tôi chia nhau làm lễ đóng giả cha rồi lên rước lễ, những trò chơi hồi ấy chúng tôi mang theo mà giờ được ơn kêu gọi của Chúa để chúng tôi kiên vững hơn trên con đường dâng hiến của mình.Vào mỗi dịp Tuần Thánh, vào lễ Tiệc ly thứ 5 hay còn gọi là lễ Rửa Chân, các ông trùm thường được các cha rửa chân cho và được một chiếc bánh dầy ông luôn mang về cho anh em chúng tôi. Đại gia đình chúng tôi chỉ ngỡ ông bị bệnh già đau khớp, đau bụng bình thường. Ông 95 tuổi nhưng ngày nào cũng đi xe lăn tập thể dục gần 2km mới về, ông kiên trì tín thác. Ông chuyên tâm lo cầu nguyện, lần chuỗi liên tục cho mỗi gia đình, cho từng đứa cháu, cho sự phát triển

của giáo xứ. Sau Tết, tôi có cơ hội trị liệu cho ông nên được ông kể nhiều chuyện, khuyên nhiều điều. Ông khao khát sống mãnh liệt và kiên trung vào Chúa và Đức Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Khi cơn đau bụng lên quằn quại, bác sĩ bắt tháo hết tràng hạt và vòng cổ vứt ra ngoài, ông đòi lại và nắm chặt, làm dấu phó thác liên tục.Ở bên ông, tôi ngỡ như ở cùng một tượng đài sống của thời cuộc, từ lịch sử xóm đạo đến lịch sử quốc gia. Ở bên ông, tôi được tiếp thêm sức mạnh cho những khao khát, những ước vọng cho những mảnh đời. Giờ đây ông không còn nhưng tôi tin chắc rằng, sự ra đi của ông trong mùa Chay Thánh đã giúp ông cảm nghiệm được sự đau khổ ông mang do căn bệnh trọng, giúp ông hiệp thông vào sự đau khổ của chính Chúa Kitô, qua đó được thông phần ơn cứu độ với cuộc khổ nạn của Ngài. Tôi không bao giờ quên nghị lực kiên cường của ông đã bảo vệ đức tin và giữ ngọn lửa nhiệt thành với việc Chúa và sống đạo qua những chuyện ông kể, qua việc ông làm và cách ông sống.

Chúng tôi chỉ nguyện ước mãi noi theo tinh thần đó của ông. Để Xuyên qua sa mạc nơi trần thế này chúng tôi được dừng lại, được tự do thoả lòng bên Suối Nguồn đích thực. Để dù "Có những ngày thời gian ngưng đọng trong một giấc chiêm bao, hoa hồng vàng chết lặng...tiếng chim hót ngoài kia cũng hoá thành từng giọt nước mắt". Tôi tin trong mỗi chúng ta đều có những người ông người bà, những cây cổ thụ sống toả bóng rợp trời nơi mỗi cuộc đời ta.

                                                                                                                      Hoàng Anh

 


 




Những chiều đi học về, qua khung cửa lờ mờ đầy bụi bám của cánh cửa xe bus, tôi nhìn thấy tụi nhỏ Tiểu học, Trung học ùa ra về như đàn chim vỡ tổ. Có đứa đứng lại trước cổng trường đợi ba má tới rước, thỉnh thoảng lại rướn mình ra ngóng về phía người thân tới đón, có đứa trên tay cầm những xiên que đồ nướng, rồi những cây kem mát lạnh lót dạ cho một ngày học nóng nực căng thẳng. Có đứa thì lầm lũi bước đi, cứ cúi mặt xuống đầy trầm tư và sầu não. Có tốp thì vội khoác chiếc balo xộc xệch về đằng trước rồi vừa đi vừa bàn tán bài vở như vừa kiểm tra hay thi xong môn gì đó. Có đứa thì vứt cặp xuống đất, kéo áo đứa bạn đằng trước lại, vén ống tay áo lên như chuẩn bị giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực... Ngày nào cũng thế, những buổi chiều tan trường của tôi trên chuyến xe bus về nhà tôi đều gặp tụi nhỏ tan trường với đủ trọn những khuôn mặt và cảm xúc của chúng.

Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn đồng bằng miền Bắc, tuổi thơ của tôi lớn lên trong bầu khí của xóm đạo nhà thờ, sống với tiếng chuông nhà thờ, với những chiều hè rủ nhau câu cá, tắm ao, đi cầu kiều trên ao hái mướp, với những trò chơi buôn hàng và làm diễn viên đầu đời đóng vai làm các thứ nghề xung quanh cuộc sống mà chúng tôi biết. Trường học không gần cũng không xa là mấy nhưng chúng tôi toàn rủ nhau đi bộ, mở mắt ra là mặc quần áo tươm tất rồi chạy xung quanh hàng xóm í a í ới nhau đi học, 7h30 sáng mới học nhưng tôi nhớ là đi từ 6h sáng. Tới trường chúng tôi còn chơi đủ thứ trò khác nhau, vào mùa hè, mồ hôi nhễ nhại, tóc đứa nào đứa đấy ướt như mới gội, quần áo xộc xệch nhưng có tiếng chuông báo hiệu vào lớp là chúng tôi chỉnh tề liền. Ngày ấy, đứa bạn nào lấy trộm cây viết, cục gôm hay chỉ là cấu xíu xiu cũng về mách bố mẹ. Còn hay ghép cặp ghép đôi nếu ở gần nhà nhau và hay đi học với nhau. Có giận hờn, có đánh nhau nhưng rồi lại chơi thân với nhau, chúng tôi gọi là “tình yêu bọ xít”. Tôi nhớ ngày ấy, mỗi lần đi thi bố đều chở hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ hòa vào dòng người chở con ngày đi thi, bố cho anh em tôi vào quán gọi món “cháo trứng vịt lộn”, tôi luôn nhớ bố mẹ chỉ chở chúng tôi vào những ngày đi thi quan trọng và món quen thuộc ngày đi thi đều vậy. Sau này khi lớn mọi người nói ăn trứng ngày đi thi là chỉ có ẵm về toàn “trứng”, tôi chẳng tin. Khi lên cấp hai, tôi tự đi xe đạp, chúng tôi đi học đạp xe chung với nhau, mỗi lần nắng, mỗi lần mưa đều có nhau. Chúng tôi quanh quẩn ở xóm làng nhìn ai cũng chào, cũng hỏi nên biết nhau cả, ông bà nội ngoại cũng gần nhau, các bác các cô chú cũng gần nhau, những người bạn xung quanh “tối lửa tắt đèn” đều có nhau. Từ nhỏ tôi đã được nghe bố mẹ ví người này người kia như Chí Phèo, như Thị Nở, được dạy “trẻ con không được ăn thịt chó”, được nghe ông đọc thơ truyện Kiều, rồi cái tên tôi ông cũng đặt y như cô em Thúy Kiều để cầu chúc cho cuộc đời tôi đừng lận đận. Khi lớn hơn, tụi chúng tôi hay dọn cỏ, dọn rác ở mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao, khi được học tác phẩm Chí Phèo có trong sách giáo khoa, tôi mới thấy tự hào quê mình có nhà văn được ghi trong sách. Ngày đi học tôi cũng có bị dính vào một số vụ đánh nhau chỉ vì “nhìn mày ngứa mắt”, rồi “mày là cái gì mà dám phạt tao”, rồi cả “mày chán sống rồi hay sao ?”... chỉ vì ngày đó tôi làm Liên đội trưởng trong trường- một nhân vật bị ghét cay ghét đắng vì chuyên đi soi những thành phần vi phạm nội quy của trường của lớp. Ngày ấy chúng cũng tìm đến bạo lực để giải quyết những vấn đề kia nhưng tôi có thầy cô giáo, có bố mẹ có bạn bè đồng trang lứa với tôi bảo vệ. Không ai sợ bị liên lụy hay cố bao che cho những thành phần có ý thức kém như vậy. Những dịp Trung thu, chúng tôi đều chuẩn bị mọi thứ từ trước một tháng, tới hôm diễn ra đêm rằm thì chúng tôi được sống vui chơi, ăn uống quây quần bên nhau phá cỗ, ăn bánh đa cùi dừa, ngồi ngắm trăng, nghe tiếng dế mèn, tiếng vi vo của muỗi, tiếng ve của ngày hè còn sót lại và cả những tiếng quạt mo phe phẩy trong buổi tối tĩnh lặng vì mất điện. Mỗi lần nghĩ lại tôi thấy có nhiều niềm vui hơn là những sự tổn thương bởi tôi đã được sống một tuổi thơ trọn vẹn.

Rồi lên một cấp khác, tôi đi xa nhà vào Sài Gòn để học đại học, thoáng cái cũng gần hết cấp này tiếp. Mỗi ngày tôi đi học, đi làm trên xe bus và về bằng xe bus, ngồi trên đó nhìn ra đường tôi thấy có nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống đáng trân trọng giữa dòng người vội vàng ngược xuôi. Buổi sáng thì kẹt xe vì ai cũng muốn đến chỗ làm chỗ học cho đúng giờ nhưng hình ảnh người vô gia cư nằm ở bên lề đường, đắp chiếc bao làm chăn, chiếc mũ rách mướp làm khăn che mặt, đặt mình bên cạnh một đống lùm xùm bao nilong, chai vỏ lọ...cụ vẫn nằm đó giữa dòng ngừơi vội vã. Buổi chiều tôi trở về nhà cũng bị kẹt xe, ai cũng muốn đi thật nhanh để kịp đón con ở trường cho đúng giờ, ai cũng muốn đi thật nhanh nên va quẹt vào nhau rồi cứ lao về phía trước không ngoái lại là chuyện thường, ai cũng muốn trở về nhà thật mau để chuẩn bị bữa cơm gia đình, rồi có người vội chạy để kịp cho đúng giờ dạy học...như tôi. Tôi về nhà rồi lại lên xe bus đi dạy, học sinh tôi dạy cũng đơn độc như bao bạn khác nơi thành phố phồn hoa này, ai biết người đấy, nhà nào biết nhà đấy. Em cũng chỉ biết đường từ trường về tới nhà, lên đến phòng riêng đợi thầy cô tới tận nhà dạy học rồi xuống đến phòng ăn, lịch trình lặp đi lặp lại gần 18 năm qua như vậy. Nghĩ mà thật buồn ! Có lần tôi hỏi em : “Em có bạn thân không ?”, em trả lời tôi bằng một tiếng thở dài đằng đẵng rồi đáp bằng giọng miền Nam dễ thương mà nghe đầy mệt mỏi, ủ rũ : “Bạn bè làm gì cho mệt hơn cô” Nghe xong tôi giật mình, một học sinh cấp ba tới giờ không có bạn, cũng chẳng có bạn thân mà nhắc tới thì chỉ thêm mệt mỏi hơn bởi việc học cũng là một áp lực lớn với tụi nhỏ. Chúng không tìm được niềm vui nơi học tập, không tìm được niềm vui nơi trường học và nơi bạn bè xung quanh đồng môn. Lũ trẻ bây giờ khác tôi ngày trước quá nhiều dù tôi cũng được sinh ra và lớn lên thời đại công nghệ phát triển mạnh. Lũ trẻ bây giờ là “thế hệ cúi đầu” không có ý thức để ngẩng lên nữa. Lũ trẻ bây giờ tự tin và sống thỏa hiệp với cuộc sống dù chẳng biết mình sẽ đi về đâu sau những lần nhấc tay cầm bút kí vào những bản hợp đồng tự do do chính mình ảo tưởng vào thế giới ảo.

Dường như cuộc sống thay đổi, con người cũng đổi thay. Ít ai còn giữ lại được những nếp đạo đức bình dân gần gũi nhớ mãi. Có chăng là chỉ níu kéo chút gì còn vương lại, mai này hội tụ lũ bạn ngồi hàn huyên lâu giờ sống lại giai đoạn đó tuổi xế chiều... Tôi vẫn gắn bó với xe bus, là đi học, đi làm, đi tour Sài Gòn ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn con người chuyển động, có khi rảnh rỗi ngồi trên xe bus cả ngày về một số tỉnh lân cận Sài Gòn cách vô tình. Hay ra tôi cũng đang đơn độc giữa cuộc sống này ?

Hoàng Anh

 


Thân phận là gái thứ lữ rạng soi

Cũng chẳng lỡ khi cô đơn đời vắng bóng

Tình em trao là tình trong trắng

Chỉ là một duy nhất mà thôi

Khi tinh khôi lòng Anh là biển cả

Vỗ về những dòng suối tràn mi

Khi em đi đời vẫn còn nguyên trạng

Chỉ chuyển sự là sống tình lang thang

Cất bước lên chuyến hàng không đầu tiên

Em để lộ mình như hiền thê yêu dấu

Cũng đẹp tươi sau bao ngày nung nấu

Một cuộc trở về đủ nghĩa vạn tình đây

Mang em đi vào bầu trời xanh thẳm

Cất cao lên những chóng vánh bủa vây

Cho thân thây ngấm nhuyễn mùi tình ái

Chẳng xác tục mà vời vợi non cao

Hỏi tại sao tình yêu lại đẹp thế?

Bởi vì lẽ nó ý hướng song song

Đi hiên ngang trên mảnh trời rộng lớn

Lan tỏa lòng hơn hớn niềm vui

Em hoan vui vì một niềm không tủi

Vì rõ hiện cũng như hành động luôn

Cho tuôn chảy trong em một thiên đường

Không sánh nổi với một điều gì khác đâu.

Hoàng Anh

 

 

 

Những cơn mưa dài kéo hết ngày này qua ngày khác trên vùng đại ngàn Tây Nguyên này gợi lại cho con rất nhiều cảm xúc, từ khi con nghĩ Tết này nhà mình sẽ không đông đủ như mọi năm, mỗi đêm con hay giật mình thức giấc, con không sao ngủ tiếp được. Có những sự chia tay liên tiếp làm cho con bị chìm vào nỗi buồn triền miên, chỉ có những đứa trẻ đồng bào mới kéo con ra khỏi vũng lầy êm ái đó. Nhưng khi dạy học chúng, cùng chơi với chúng, cùng làm và cùng ăn với chúng xong, con lại đối diện với chính mình trong đêm khuya cùng với những dòng nước mưa rớt xuống mái tôn nội trú nơi con đang tông đồ kêu mỗi lúc một mạnh như gõ cửa trái tim con, thôi thúc con mở cửa nơi ấy một lần nữa để trải lòng khi con bước sang một tuổi mới trong mùa hè rực rỡ tràn ngập yêu thương.

Khi đặt chân tới vùng cao Tây Bắc ở với những anh chị em H’mông với bao ngỡ ngàng và cảnh vật hùng vĩ làm cho con choáng ngợp, con cũng chẳng thấy sợ vì tự tin mình có đủ kiến thức và hành trang để sử dụng chúng ở nơi này. Nhưng nhìn đâu cũng thấy những ngôi nhà lụp xụp, những mái ngói nghiên mình xuống triền dốc chỉ chực chờ gió cuốn, những con đường dài ngun ngút trùng trùng điệp điệp, những đứa trẻ cười nói xì xằng xì xồ nghịch nước, hái hoa ven đường chẳng đi học, những người già ngồi nhìn xa xăm ra con đường dài tít tắp nghĩ lại cuộc đời...Con mới thấy điều bố nói từ khi con có trí khôn thật đúng “Chữ tài đi với chữ tai nhiều phần”. Con đã quá tự tin về những gì mà con tưởng chừng là mình có, con cứ ngỡ rằng mình có quyền đi ban phát kiến thức hay kĩ năng cho mọi người...Khi đến và ở lại, sống chung, sống cùng, sống với người nghèo con mới thấm lời bố dạy.

Khi con nghĩ lại sự trầm tư, xót con của mẹ giấu kín trong nụ cười rạng rỡ mà ngượng ngùng xót xa khi thấy hình bóng con gầy xanh xao, sạm da nhìn chẳng nhận ra trở về sau những tháng ngày điền dã ròng rã trên vùng cao với bao cám dỗ, nguy hiểm và nỗi ám ảnh bủa vây con khi chỉ chút suýt nữa là mạng sống con cũng chẳng còn. Con chỉ biết lặng đi hòa vào nỗi niềm thổn thức của mẹ mong cho chúng con được sống là chính mình giữa cuộc đời đầy những tai ương và bộn bề lộn xộn này.

Khoảng thời gian ở đó dịp ấy, mọi thứ nơi vùng cao thu phục con để con chết đi chính mình. Con được rất nhiều, rất nhiều, nó đầy lên nhưng nhẹ nhàng, dung dị. Điều con cảm nhận sâu thẳm, quyết liệt và rõ ràng nhất là: có tình yêu, có thể chạm đến trái tim và làm cho nó có tiếng nói tuyệt vời nhất. Từng khuôn mặt, từng cử chỉ, từng nụ cười, mỗi câu chuyện...nơi những con người tại bản hòa vào da thịt, tan chảy trong con tim thổn thức của con. Con thấy con người nơi đó như một bức tranh “tinh dầu sơn nguyên” tức là mùi con người tinh chất nơi núi rừng hoang sơ, nguyên vẹn đang bị nhòe, đang treo giữa cánh rừng bạt ngàn, rừng thì bị chặt phá, đồi núi bị xói mòn, bức tranh kia mỗi lúc mờ nhạt, cần lắm thay những họa sĩ có một trái tim biết nói tiếng núi rừng để hòa vào bức tranh đang bị phai mờ ấy. Khi nghĩ như vậy, con nguyện mình là cây chì vẽ điểm tô những nét phai mờ trong bức tranh ấy, vẽ lại rõ chi tiết nơi bức tranh. Vẽ được cả mùi, cả những dòng mũi chảy lại xịt vào thập thò viền miệng trên của những đứa trẻ con, cả những giọt mồ hôi, từng mạch gân, từng giọt máu, đang nhỏ giọt và đập mạnh bởi cái nghèo vô tận, rồi cả từng mầm sống đang nhú lên thoi thóp đứng giữa núi đồi đầy rẫy những hiểm nguy chực chờ bị bóp ngạt. Con như thấy đồng loại của mình đang kêu những tiếng rên siết liên lỉ thảm thương mà ít ai nghe thấy. Rồi bức tranh nơi ấy sẽ ra sao nếu một mai cháy rừng ? Những tro bụi của bức tranh ấy có giữ nguyên từng nét chăng ? Dịp đó, con rời bản đi trong nỗi niềm thao thức, bên đống lửa giữa cánh rừng ủ ấm những nét vẽ tinh khôi của đêm cuối đang rõ dần lên. Tên Fuab Ci họ đặt cho con như gói trọn nỗi thao thức và ước nguyện của họ và con, cho bản làng luôn ánh rạng ngời vào mỗi bình minh, vào mỗi hoàng hôn và cả trong đêm đen không đèn điện của họ.

Hiện tại ở đây, con đang sống trong những ngày cuối cùng của chuyến đi lần này với các em đồng bào Bana, con lần lượt chia tay những người anh em cùng chung chí hướng, họ trở về với công việc và sứ mạng của mình. Con vô cùng khâm phục và quý mến họ. Con kể bố mẹ nghe về thầy giáo dạy Vật Lý cấp ba có một điệu cười xóa tan phiền muộn và chân chất đã bỏ lại cả mùa hè kiếm bộn tiền từ việc dạy kèm, dạy thêm để mang sự hiện diện của mình lên vùng cao nguyên gặp gỡ, ở lại và cho đi những gì mình đang có cho anh em đồng bào, đặc biệt cho những đứa trẻ được học. Rồi cả cô giáo dạy Tiếng Anh cho người đi làm, có mẹ bị đau nặng bất ngờ, công việc với tiệm photo, in ấn và làm hình nhưng chị cũng bỏ lại vì lời hứa đến ở lại và dạy các em Bana ở đây. Các thầy cô đó cho con thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ giữa dòng người nhiệt thành, quảng đại, hy sinh, họ cho con động lực để mang sự hiện diện của mình tới những nơi nghèo nàn mục nát. Những lần trước con toàn đi độc hành, con phải đối diện với những khó khăn mà không có người bên cạnh, nếu không có ơn Trên gìn giữ con chẳng nghĩ với sức riêng mình vượt thắng tất cả những điều đã qua. Lần này có những chị em cùng đi với con, khi con bệnh nặng vì ngã nước có chị em ở bên chăm sóc và quan tâm con, ở bên các em con học được nơi các em sự đơn sơ và lành thánh. Nơi các em học sinh đồng bào Bana cho con nhận ra chỉ kiến thức không thôi sẽ không mua được sự yêu thương, bao dung, bác ái, hy sinh, nhẫn nại như bố mẹ luôn nói với con. Và con nhận ra nơi các em điều này khi mỗi ngày các em cố gắng, can đảm vượt qua hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác ở cuộc sống hào nhoáng, mau qua rằng “Chúng ta nảy mầm từ trong đêm tối nhưng sẽ nở hoa dưới ánh mặt trời”.

Bố mẹ ơi ! Mùa hè năm nay của con đẹp lắm. Con biết rằng khi hè về quê mà chỉ về nhà có hai ba hôm rồi lại đi vùng cao ở với người đồng bào, rồi lại vào Nam đi miền cao nguyên bố mẹ buồn lắm nhưng bố mẹ luôn nói nếu con thấy hạnh phúc là được. Con cũng biết khi chúng con mỗi lúc càng rời xa bố mẹ, bố mẹ chỉ chôn những buồn tủi, nhớ thương, sự khó nhọc vào sâu bên trong để qua màn hình nhỏ trực tuyến hỏi thăm con dạo này có khỏe không, rồi bàn luận về kiểu tóc lần đầu mới cắt của con, kể những câu chuyện quanh làng xóm vốn diễn ra hàng ngày cho con biết tình hình nơi quê nhà, chia sẻ chuyện làm ăn va chạm hay cả những câu chuyện cười giúp nâng tâm hồn con lên cao, hòa quyện với khó nhọc và hoan hỉ của gia đình mình. Con hạnh phúc lắm!

Mưa cũng đã ngớt nhưng gió rít từng đợt làm con lạnh buốt. Qủa thật đời người là một hợp đồng trọn gói: niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau...tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ được. Giữa cuộc đời sóng gió ngập tràn, con vẫn đây, nơi cung lòng của mẹ và vòng tay yêu thương của cha đón con trở về trong tình thương và nỗi nhớ.

Hoàng Anh

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.