Vô Đường
Sáng sớm tinh mơ, con hẻm vang tiếng chuông chùa, tiếng lạch cạch muỗng, đĩa, làn khói lượn lờ thoang thoảng kèm mùi bún riêu xuyên qua màn đêm tĩnh mịch đón chào ngày mới. Rồi là tiếng loạt xoạt, bộp bộp, choảng thật mạnh vào góc chân tường của con hẻm sâu, tiếng chửi bới hôm nay sớm hơn mọi ngày. Chẳng ai biết chuyện gì cả, xe honda vô hẻm nhiều hơn, nhiều người xúm vào cùng nhau vứt ve chai từ trong nhà ra mỗi lúc một nhiều hơn. Tứ người gặp vấn đề thần kinh đi lượm ve chai hàng ngày quát lớn kèm theo những tiếng chửi bới tục tĩu nghe ớn gáy, giọng người đàn bà già khú đế, tóc tai lồm xồm kèm theo đủ thứ mùi chất lên cơ thể hơn nửa tạ tay chỉ trỏ linh tinh và ngấu nghiến như muốn nuốt người ta vô họng mà nghiền nát ực ực.
- Ve chai của tao cứ để đấy tao có khiến tụi bay đâu. Cút về nhà tụi mày đi. Đồ chó đẻ tụi mày, cút hết. Ve chai của tao.
- Không dọn thì chút nữa quan tài để đâu được (một người cháu thốt lên)
- Đồ chó tụi mày biến về, cút về. Chết cứ cho nằm đó.
Rồi chẳng ai nói tiếp với ai nữa nhưng Tứ cứ chửi, nó chửi lớn lắm, mỗi lúc một tục tĩu hơn, mọi người ở hẻm này thì quá quen với chuyện đó rồi. À thì ra, ông Phái bố của nó đã chết từ đêm qua, trên tấm thảm trải giữa nhà giữa đám ve chai chất ngồn ngộn ở trong gian nhà được rao bán giá 7 tỷ.
Hàng ngày, Tứ nó đi kiếm ve chai từ tối đến sáng sớm nó mới về, hôm nay bỗng dưng nó về sớm hơn mọi ngày, hơn 12h khuya nó đã về. Nó thấy bố nó nay mặt tái nhợt xanh xao và mở còn mỗi con mắt, nó vuốt xuống nói ngủ, nó vẫn lau rửa thay tã cho ông cụ như thường ngày rồi nó ngủ thiếp đi, tới tờ mờ sáng nó dậy sớm để đi kiếm ve chai, kêu bố là con đi đây, gọi hoài gọi mãi thì không thấy ông ấy động đậy gì nữa. Nó lại chửi, nó chửi lớn hơn hàng ngày, chửi cái thứ gì nào là “con đĩ mẹ mày, sao mày không mở mắt ra nhìn tao” nó cứ rủa đủ đường đủ thứ nên mọi người ở hẻm chẳng ai hay biết gì hết đến khi có những tiếng quát chửi lớn hơn khi ve chai của nó bị những đứa cháu vứt từ trong nhà ra để dọn dẹp nhà cửa lo hậu sự. Căn nhà gồm năm người sinh sống trong đống ve chai chất kín nhà, không còn một chút khe hở nào. Năm người con ông bố không cho đi lấy vợ lấy chồng để bắt ở nhà phụng dưỡng ông ấy. Ông là lính hải quân thời trước, sau Giải Phóng ông chểnh mảng đạo nghĩa và cung phụng đủ thứ tà thần, rồi ông bại liệt sớm. Đứa con trai thứ năm cũng bị bại não nằm chung trên tấm thảm. Hai người em còn lại trong căn nhà là công nhân dọn vệ sinh nên chỉ tối mới về. Đã mấy chục năm qua, Tứ nó đi kiếm ve chai rồi về lo ăn lo chăm sóc hai người liệt, không biết những áp lực đó đè nặng lên vai nó nên nó sinh ra chửi bới, rồi có giấy chứng tâm thần, cứ thỉnh thoảng nó lại ra đứng trước mấy ngóc ngách của nhà người ta, cầm nhang rồi chửi, nó chửi “đúng 12h hôm nay, 12 cây nhang này tao đưa chúng mày về cõi bất diệt, quân giết người, lũ khốn nạn, lũ chó đẻ, chết hết đi và kèm theo những từ ngữ tục tĩu”. Những ai vô tình thức giấc hay đi ngang qua chỉ một lần là ám ảnh những câu nói của nó. Và hôm nay, bố nó chết nó cũng không tha chửi. Xung quanh toàn ve chai, chất từ trong chất ra ngoài, người nằm trên tấm thảm giữa nhà, đủ thứ mùi của những thứ hầm bà lằng bốc lên, nào là mùi chai lọ, mùi cơm phơi ẩm, mùi bỉm tã phân, mùi của những bọc nilon cất đựng nhiều thứ đồ chẳng rõ. Ôi! Thật là một buổi sáng sớm tra tấn linh hồn.
Người dẹp ve chai vẫn dẹp, người trong xóm đạo tới khi hay tin ông Phái chết, những tiếng xôn xao ồn ào bắt đầu như nhịp sống đô thị buổi sáng. Có ông chú trong nhà thờ tới gọi nhà hòm. Nghe những âm thanh của loa ngoài điện thoại nào là:
- Tận 38 triệu!
- Bây giờ tụi con trọn gói là như thế chú ơi
- Con tới coi hoàn cảnh nhà người ta đây rồi xem bớt được chút nào cho họ với con ơi, nhà ve chai chất đầy hôi thối, bố nó chết ngay giữa cái núi rác, con cứ tới xem ngay rồi giảm được hay ủng hộ thì con xem giúp nha.
- Dạ được, con qua liền.
Lúc sau, nhà hòm tới thật nhẹ nhàng chốt lẹ, chủ hòm đã bớt cho 20 triệu. Ở cái thành phố phồn hoa này vẫn có những yêu thương như thế. Họ nhanh chóng phụ giúp hốt hết ve chai từ trong nhà ra để thông thoáng cái thân thây đang cứng đờ nằm giữa đó cũng chẳng có miếng giấy hay tấm vải để che đi cái mặt. Tiếng người thu mua ve chai tới thu mua, Tứ nó đứng nuối tiếc và chửi bới không ngớt, tiếng người bàn cãi lo hậu sự, nhóm tụ lại mấy chị em bàn chuyện chia chác căn nhà, tiếng chó sủa vì đông người và có mùi gì đó lạ hơn trong đống rác đó. Khung cảnh thật nhốn nháo chẳng ai còn có thời gian để khóc cho sự ra đi của người thân mình.
Qúa trưa, những đám mây đen ở đâu kéo đến che phủ cả những căn nhà cao tầng trong hẻm, rồi dồn dần xuống lộp độp những hạt mưa nặng xong rồi ngưng, màn trời sáng hơn, mặt trời hoàng hôn len lỏi giữa những căn nhà làm thành một đường xuyên vào sâu con hẻm như cháy rực cả một góc trời. Tứ nó kéo xe đi ve chai, rồi khi liệm xác bố nó, nó cũng chưa về. Khi về thì mọi sự đã xong xuôi, tiếng nhạc điếu làm não nùng cả con hẻm nhưng lại có chiếc loa mở nhạc Thánh ca rồi tiếng cười nói to như muốn át đi hết những tiếng nhạc nhẽo đó. Tứ nó ngồi ở sảnh kể chuyện, kể thật tỉnh táo và cũng khôn chẳng giống như nó mọi ngày chửi bới vu oan đâm họa cho nhiều người. Nó chửi chính mình là ngu, rồi rủa những người không chăm sóc cho bố nó là đồ đểu, nó nhiếc mắng vặt thịt mấy đứa cháu bán ve chai của nó đi, xong rồi nó lại bình tĩnh kể nó hát bài Thánh Giuse cho bố nó như nào…Rồi nó lăn ra sảnh ngủ lúc nào không biết.
Về đêm, con hẻm hôm nay tấp nập hơn mọi ngày, vẫn có những tiếng rao “bánh mì, xôi khúc, bánh giò”, vẫn có những căn nhà tụ tập nhậu hát karaoke nhưng nay đám tang góp thêm những nhạc điệu não nề mà ở bên trong đó chỉ có duy nhất là tiếng nói cười và tiếng chửi bới, không có giọt nước mắt. Người ta kể, ngày xưa khi bà Phái còn sống bà thích hoa hồng, ông Phái trồng thật nhiều dàn hoa trên sân thượng để bà ngắm, bà ngửi, bà hái, bà cắm. Mỗi dịp được nghỉ phép về chóng vánh ông lại mang thêm những giống hồng ở trên biển nơi ông đặt chân đến mang về cho bà. Rồi bà sinh liền cho ông tám người con đặt tên cũng giống như những phương trời ông qua Điệp- Ngữ- Tứ- Phương- Thiên- Hạ-Mỹ-Sơn. Con út sinh ra được ít bữa thì bà Phái mất, ông nghỉ phép rồi bỏ nghề luôn và nuôi con thật lao đao vất vả sau ngày Giải Phóng rồi một cơn gió thoảng ông nằm liệt luôn cả nửa đời người. Có lẽ, những nuối tiếc về sự thủy chung, về những yêu thương đong đầy với người vợ của mình làm ông không thoát ra được nên ông đã trở nên độc tài cấm đoán những người con không được rời xa mình, không được xây dựng tổ ấm riêng. Có lẽ, những đau thương mất mát sớm, không có mẹ ở bên cạnh đã làm Tứ nó ra nông nỗi thế. Những thu tích của cải vật chất cũng đến từ những thiếu thốn tình cảm thương yêu mà chúng chẳng có. Để hàng ngày nó cứ đi như điên ngoài đường, tha lôi về những thứ rác rưởi bên ngoài không thanh lọc. Ở đây nước mắt chẳng thể chảy được nhưng lòng soi sâu hơn về những mảnh đời còn đang lưu lạc để mong rằng“Có những ngày thời gian ngưng đọng trong một giấc chiêm bao, hoa hồng vàng chết lặng,…tiếng chim hót ngoài kia cũng hóa thành từng giọt nước mắt.”
Hoàng Anh
Đăng nhận xét