Mẹ và Những đêm không ngủ

 

MẸ VÀ NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ


Mẹ là những đêm không ngủ, là những gánh nặng không tên, là sự hy sinh lặng thầm mà cả đời này có lẽ…con chẳng thể nào đền đáp cho trọn.

Mẹ thức dậy khi thôn xóm còn say giấc ngủ. Khi ngoài trời vẫn còn là màn đêm đặc quánh, khi những cơn gió lạnh lùa qua khung cửa, mẹ đã lặng lẽ rời khỏi giường, bắt đầu một ngày mới trong lặng lẽ. Nghề làm đậu chẳng giống ai, chẳng có khái niệm giờ giấc cố định. Người ta làm ban ngày, nghỉ ban đêm, còn mẹ thì ngược lại. Đêm là lúc mẹ tất bật, là khi mẹ cặm cụi bên bếp lò, bên những nồi nước sôi nghi ngút khói, để sáng mai có những miếng đậu thơm mềm đến tay từng người.

Mẹ làm nghề này đã bao lâu rồi? Con không nhớ chính xác, chỉ biết rằng từ những ngày thơ bé, con đã quen với mùi thơm nồng của đậu nành mỗi khi thức dậy, quen với dáng mẹ lom khom bên nồi nước sôi, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng ánh mắt vẫn ánh lên sự chăm chú. Những hạt đỗ nhỏ bé sau một đêm dài vất vả trở thành những tấm đậu mịn màng, nhưng mấy ai biết rằng, để có được một miếng đậu ngon, mẹ phải trải qua bao nhiêu bước, bao nhiêu công đoạn tỉ mỉ và vất vả?

Mẹ kể rằng ngày trước, khi còn nhỏ, mẹ rất thích được đi chợ, thích cái không khí nhộn nhịp, những âm thanh rao bán rộn ràng. Nhìn người ta xách giỏ, cân đong mua bán, mẹ háo hức vô cùng. Thế rồi mẹ xin ông bà nghỉ học để theo người lớn ra chợ bán hàng. Những buổi sáng sớm, mẹ dậy từ tinh mơ, dắt díu theo những gánh hàng ra chợ, tập tành buôn bán.

Sau này, khi lấy chồng, mẹ học nghề làm đậu, gắn bó với công việc này như một lẽ tự nhiên. Nhưng làm đậu không chỉ đơn thuần là một nghề, đó là cả một hành trình gắn bó, một sự tận tụy không ngừng nghỉ. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn, không có phương tiện hiện đại như bây giờ, mẹ phải chở đậu đi bán bằng chiếc xe đạp cọc cạch, rong ruổi khắp các con đường, các chợ lớn nhỏ. Đôi bàn chân mẹ lấm lem bụi đường, đôi bàn tay chai sạn vì mưa nắng, nhưng mẹ chưa bao giờ than vãn.

Những ngày đông giá rét, mẹ không chỉ bán đậu mà còn buôn bí, cà chua để kiếm thêm thu nhập. Có những hôm trời rét buốt, mẹ đi từ tờ mờ sáng đến chạng vạng mới về, người run lên vì lạnh, mệt lả vì đói. Đôi khi, trên những quãng đường xa, mẹ phải đi qua bãi tham ma giữa đêm tối. Mẹ kể rằng “Mỗi lần đi qua, mẹ đều phải nín thở vì sợ”, nhưng chẳng có sự sợ hãi nào lớn hơn nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vì con, vì gia đình, mẹ chẳng nề hà bất cứ điều gì.

Mẹ vốn là người rất thông minh, con luôn nghĩ rằng nếu mẹ được học hành đầy đủ, chắc chắn mẹ sẽ giỏi lắm. Nhưng cuộc đời đưa đẩy, mẹ không có cơ hội đến trường lâu dài, thay vào đó là những tháng ngày lăn lộn mưu sinh. Dẫu vậy, mẹ không ngừng học hỏi, mẹ luôn lo lắng, lường trước mọi chuyện sắp tới, tính toán tỉ mỉ từng đồng bạc lẻ, từng mẻ đậu, từng chuyến hàng sao cho vẹn toàn.

 Từ tối, mẹ bắt đầu ngâm đỗ, lọc đậu, rồi xay thành nước, nấu lên, vớt bọt, canh chỉnh từng chút một để đậu kết tủa đúng lúc. Một phút lơ là thôi, cả nồi đậu có thể hỏng, công sức cả đêm coi như đổ sông đổ biển. Con từng hỏi mẹ: "Sao mẹ không làm nghề gì khác cho đỡ cực?" Mẹ chỉ cười hiền, đôi mắt đã nhuốm màu thời gian: "Nghề nào cũng có cái khổ của nó, chỉ cần các con không thiếu thốn là được rồi."

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, mẹ vẫn miệt mài như thế. Người ta nói thức khuya làm việc hại sức khỏe, nhưng mẹ đã quen rồi. Những đêm đông lạnh buốt, mẹ vẫn kiên trì ngồi bên bếp lửa, đôi tay nứt nẻ vì ngâm nước lạnh quá lâu. Những ngày hè nóng bức, mồ hôi mẹ túa ra, ướt đẫm cả lưng áo, nhưng mẹ vẫn không dừng lại. Đến trưa, khi những người khác vừa mới xong buổi sáng của mình, mẹ mới trở về nhà, mệt mỏi đặt lưng xuống giường, nhưng chẳng bao giờ mẹ có thể ngủ sâu. Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến việc ngày mai có kịp không, có đủ đậu để làm không, có ai đặt hàng thêm không.

Ngày trước khi còn bé, vì quấn mẹ, nên khi mẹ dậy làm, tôi cũng đòi theo. Mẹ đã sắp xếp cho tôi một chỗ nằm cạnh chỗ làm của mẹ bằng củi, vải, bìa carton nhưng ấm áp vô cùng, chúng tôi thường hay gọi đó là " ổ chuột ". Có nhiều hôm tò mò, cũng muốn biết mẹ làm đậu như thế nào, thích thú và nói mẹ: "Khi nào mẹ dậy mẹ nhớ gọi con nữa để cho con xem với nha”…Mẹ luôn giữ lời hứa gọi tôi dậy nhưng đang say giấc nồng của đứa trẻ mới lớn, giữa đêm lạnh giá nữa, tôi lại ngủ thiếp đi mà chẳng đoái lời mẹ gọi, rồi cứ thế nhiều lần cứ bị lỡ hẹn, có hôm mẹ làm nhiều, mẹ gọi dậy giúp, tôi cũng làm được một số việc giúp mẹ. Vừa làm, hai mẹ con cùng nói chuyện, chia sẻ vài điều về cuộc sống, giáo lý, hay phụng vụ và thánh ca nữa, có một mình mẹ làm nên mẹ rất hay mở nghe các bài giảng của các Cha, mở những bài thánh ca. Tôi nghĩ mẹ luôn đặt tâm tình mẹ với Chúa như tâm tình của Nhạc sĩ Giang Ân trong bài hát “ Một mình con với Chúa “ vậy.

Còn nhớ có lần mẹ ốm, cả nhà ai cũng bảo mẹ nghỉ một ngày thôi, nhưng mẹ không đồng ý: Mẹ nói: "Không làm thì mai lấy gì bán? Khách hàng họ quen ăn đậu của mình rồi, nghỉ một bữa lại mất đi một mối quen." "Nghỉ ở nhà đau mỏi hết cả người không chịu được" Thậm chí có ngày ngày gió lốc, mưa bão mẹ cũng đội trời mưa gió rét đi làm. Bố hay nói: "Mưa lạnh gió rét, người ta tìm chỗ để nương để trú, mình thì cứ thích lao ra đường".

Mẹ của con là thế, luôn lo cho người khác trước khi lo cho bản thân, luôn nghĩ về những điều xa xôi mà quên mất rằng mẹ cũng cần được nghỉ ngơi.

Mặc dù bận rộn với công việc chợ búa, thức khuya dậy sớm, nhưng mẹ chưa bao giờ sao nhãng việc dạy dỗ con cái. Mẹ không chỉ lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, mà còn quan tâm đến đạo đức, cách sống của con. Mẹ dạy con cách cư xử, cách biết ơn và trân trọng những gì mình có. Mỗi tối dù mệt mỏi đến đâu, mẹ vẫn dành thời gian để hỏi han, nhắc nhở con chuyện học hành, chuyện đối nhân xử thế. Mẹ luôn mong con không chỉ giỏi giang mà còn phải sống tử tế, lương thiện. Những bài học từ mẹ, con mang theo suốt cuộc đời, như ngọn đèn soi sáng con trên những chặng đường phía trước.

Con lớn lên trong những ngày tháng mẹ vất vả, con chưa từng thấy mẹ có một giấc ngủ ngon đúng nghĩa. Con chưa từng thấy mẹ than phiền về những đêm thức trắng, về những cơn đau nhức khi trời trở gió. Con cứ thế vô tư lớn lên, được mẹ bảo bọc trong vòng tay đầy yêu thương và lo lắng. Cho đến khi con trưởng thành, đi xa hơn, bận rộn hơn, con mới nhận ra mẹ vẫn đứng yên ở đó, vẫn làm công việc quen thuộc, vẫn sống một cuộc đời chỉ biết lo cho người khác mà quên mất chính mình.

Ngày 8.3, người ta tặng nhau hoa, quà, lời chúc ngọt ngào. Còn mẹ, có lẽ điều mẹ mong chỉ đơn giản là một ngày ít vất vả hơn, một giấc ngủ không bị gián đoạn bởi những mối lo toan. Mẹ không cần hoa, không cần những món quà đắt tiền, mẹ chỉ cần biết con vẫn khỏe mạnh, vẫn sống tốt và không phụ lòng mẹ. Nhưng mẹ, mẹ đã hy sinh quá nhiều rồi. Con chỉ mong một ngày nào đó, mẹ có thể nghĩ cho mình một chút.

Mẹ là những đêm không ngủ, là những gánh nặng không tên, là sự hy sinh lặng thầm mà cả đời này con chẳng thể nào đền đáp hết.

“Mẹ là người đầu tiên, người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội ngay cả khi con ngu dại một đời” – Trích bài hát: Mẹ - Phú Quang

                           HAPPY WOMEN ‘S DAY

         08.03.2025

      Rose


Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.