Chuyến tàu đêm

 Trên con đường của những nẻo đường đi, luôn cần lắm thay sự giúp đỡ của những người đồng hành!

Khi những chùm phượng vĩ đỏ rực trời, những tiếng ve kêu râm ran cả khung trời, những giọt mồ hôi lăn dài với tiết trời hè rực nóng là lúc tôi bước vào kỳ nghỉ hè đầy hào hứng. Sau những tháng ngày miệt mài với nghiên cứu, học hành, viết lách. Tôi quyết định mua một vé tàu đi để ngắm phong cảnh, vào miền nam để trải nghiệm cuộc sống của những con người nơi xứ sở đô thị phồn hoa tấp nập.

-         Bố ơi! Như đã dự định từ trước, nghỉ hè rồi, bố cho con vào nam chơi bố nhé!

-         Con đi một mình, bố mẹ ở nhà lo lắng cho con lắm! Lui lại năm sau đi, có người nhà đi cùng thì con hãy đi!!

-         Cả năm học, con mong ước ngày này đến để con được đi trải nghiệm, xin phép bố cho con đi nhé!!

Bố không nói gì, lặng lẽ chừng vài giây và vui vẻ nói:

-         Mang giấy tờ ra đây, rồi bố chở đi mua vé! Con muốn đi máy bay hay đi tàu?

-         Con muốn đi tàu để ngắm cảnh và cảm nhận bố ạ!

-         Vậy được rồi! Nếu mua được, thì mai bố mẹ cho con đi luôn.

Tôi vui mừng, không lời nào diễn tả được, lấy giấy tờ rồi đi mua vé tàu cùng bố… Nhà ga cách nhà tôi chừng 10km, nên đi rất nhanh chóng, xuống tới nơi, bố hỏi tôi:

-         Con thích ở toa tàu như nào? Bố sẽ mua cho con ở đó!

-         Con muốn phòng cửa kính, điều hòa, thoáng mát, để nhìn phong cảnh cho dễ bố ạ!

Hỏi xong, bố để tôi ngồi một mình tại phòng chờ và tiến nhanh tới quầy bán vé. Bố tôi chào nhân viên bán hàng và hỏi thân tình:

-         Cô còn vé tàu phòng điều hòa,.. ngày mai vào Sài Gòn không? Bán cho tôi một vé!

-         Dạ chú! Vé vẫn còn, nhưng phòng đó thì hết rồi chú ạ! ( giọng cô nhân viên ân cần, ấm áp)

Từ xa tôi cũng cảm nhận được, lòng thấy vui vẻ lạ thường, mong cho những ước nguyện của một kỳ hè đầy ý nghĩa. Bỗng, bố chậm rãi bước ra, nhìn tôi với vẻ tiếc và lo lắng cho tôi:

-         Hết vé phòng điều hòa rồi con ah! Còn vé không số, gần boong tàu, ngày mai sẽ khởi hành lúc 5h sáng, con có đi không?

-         ...Có bố ạ! Con đã dự định thì con phải đi, cho dù không khí, ăn uống ra sao! Bố đừng lo, con làm được.

Tôi vui lắm! Nguyện ước của mình được đáp lại, dù chấp nhận ngồi trên tàu, những chỗ như thế!..

Tiếng chuông nhà thờ sáng ngân vang, tôi mau lẹ đi lễ và cầu nguyện cho chuyến hè đầy bình an và tràn ngập ý nghĩa của người thiếu nữ xa gia đình…

Bước lên toa tàu không số, cái ngột ngạt, toàn hơi người “bốc lên” làm tôi muốn ớn, muốn xuống ngay khỏi chuyến tàu. Tôi để hành lý lại cho một người trông, rồi mau chóng lên boong tàu để hóng gió, thoát khỏi cái “bẩn thỉu” của toa tàu không số. Phong cảnh mới đẹp làm sao? Thiên nhiên, vũ trụ thật kỳ diệu…tôi không biết phải dùng ngôn từ mỹ lệ nào để diễn tả được cái đẹp mà tôi cảm nhận, qua những dãy núi, qua những con sông… Mãi tới khi gió lạnh thổi mạnh, tôi mới chịu xuống lại dưới toa. Mọi người đã nằm la liệt ngủ, chỗ tôi để hành lý quá nhỏ, nên chỉ có thể ngồi. Phía bên cạnh là hai cha con ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, nhem nhuốc, nhơ nhớp, vừa nhìn đã biết là ăn mày. Đứa nhỏ chừng khoảng 10 tuổi bị mù, dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, nhưng có nụ cười rất dễ mến, nằm gọn trong lòng ông bố, họ nói với nhau gì đó rồi cười vang. Có mùi gì đó lạ từ chỗ hai cha con họ bốc lên, làm tôi “nín thở”. Tôi thầm than trách “ đã mua vé chậm không còn điều hòa, ngồi đây lại gặp cha con ăn mày, sao Chúa lại để con như vậy?”. Nhưng khi đó không còn không gian nào khác nữa, chỉ có thể dựa gần vào họ mà ngồi, không vừa ý chút nào.

Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, cố không chạm vào họ để khỏi bị dính bẩn,  tìm cái điều gì đó để làm và xóa hình ảnh của hai cha con họ đi trong đầu, nhưng không được, vì họ đang hiện diện trước mắt tôi. Ông bố đó bắt chuyện với tôi, cử chỉ thân thiện, đáng thương.

-         Cháu đi chơi có một mình ah?

Tôi lơ đi, cố ý không nghe thấy ông ta nói gì, nhưng càng làm vậy, tôi thấy tim mình nhói đau, gắng đáp lại ông ta một lời.

-         Cháu đi một mình !

-         Vậy ah cháu! Cháu đi tới đâu? Chúng ta đi trên một chuyến tàu rồi, rất vui được biết cháu.

Tôi không một lời đáp lại ông… Ấy vậy, hoàng hôn đã buông xuống từ khi nào?  Tôi cảm thấy mình buồn ngủ, ngồi, miệng lẩm nhẩm vài kinh và chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Một lúc sau, tiếng còi tàu vang lên làm tôi tỉnh giấc, không thể nào ngủ được với tư thế ngồi như này! Nhìn sang bên, tôi vẫn thấy bố con họ thức, mắt đánh tầm nhìn quang cảnh chiều xuống trên đường đi. Đứa bé thiếp đi lúc nào trên lòng ông lúc nào không hay, ông mở hành lý của mình ra, đó là toàn bộ gia tài của ông ta, dùng những giấy báo cũ làm gối kê cho con ông ta ngủ, rồi ra hiệu nhẹ nhàng, thân thiết cho tôi nằm xuống. Tôi nhìn đứa trẻ bẩn đó, do dự không biết có nên nằm xuống không. Đòi hỏi của cơ thể bao giờ cũng mãnh liệt hơn tất cả, nhưng tôi vẫn tỏ ra tự cao, tự đại, gắng nằm xa đứa trẻ đó, không chạm phải người nó để người tôi khỏi bị dơ. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ.

Nửa đêm, trời càng lạnh hơn, tôi chủ quan không mang thứ gì theo để đắp. Bỗng cảm giác có người chạm vào người, “ti hí mắt” tôi nhìn thấy người bố bế đứa trẻ sát gần lại phía tôi, tôi cau mày khó chịu, cố nhường chỗ cho ông ta ngủ. Nhưng không ngờ ông ta không nằm xuống, mà lấy từ trong gia tài của anh ta một cái chăn bẩn nhưng rất ấm, để lên người đứa bé và người tôi. Chăn không to, nên ông đã đắp cho tôi trước sau đó ông cố gắng để chân tay đứa nhỏ cũng chui được vào chăn, sau đó ông ngồi sát vào đứa trẻ, đàu gục xuống đầu gối, hai chân ông run lên vì gió rét. Vào lúc đó, tôi không thể ngủ tiếp được, giọt nước mắt đã hoen dài, trong lòng tôi cảm nhận một thứ tình cảm vô cùng ấm áp, tình cảm xuất phát từ một người ăn mày…

Bình minh lên đến boong tàu, những tia nắng xuyên qua khe cửa, tôi tỉnh dậy sau một đêm đi dài. Người bố vui cười, rất hạnh phúc vì được gặp gỡ tôi trên tàu. Nụ cười, ánh mắt hiền từ, dễ mến của ông ta đã làm cho tôi được “đánh động”. Tôi im lặng không nói gì,  vẫn “mặc  kệ” hai cha con họ nói chuyện với nhau. Tôi lấy chiếc tràng hạt trong túi và nhắm mắt cầu nguyện xin Chúa cho tôi biết phải làm gì với hai cha con họ lúc này. Bỗng trong đầu tôi ánh lên “Ai tiếp đón anh em là tiếp đón chính Thầy. Ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Ga 11, 40). Tôi đã quên điều đó mà xa lánh những người xung quanh mình. Bất giác, tôi mở mắt và nhìn thấy hai cha con họ “lẩm bẩm” điều gì đó, như vẻ họ đang đọc kinh, tay cầm chiếc tràng hạt cũ, giấu sâu vào lòng đứa bé, dường như không để cho tôi biết là họ có đạo. Lúc này, tôi thấy mình thật có lỗi khi từ chối họ, mau lẹ đáp lại lời hỏi của ông bố đang ôm tràng hạt trong lòng đứa con bé bỏng.

-         Dạ chú! Chú đi tới đâu ạ? Cháu đi vào tới ga Sài Gòn.

Ông bố vội vàng cất chuỗi tràng hạt vào túi áo cũ nát, cất lời đáp lại tôi.

-         Chú vào tới ga Biên Hòa cháu ạ! Chú và cháu cũng xuống gần cùng nhau đó!

-         Dạ chú! Chú đi đạo phải không ạ?

Nghe tới đó, ông bố rụt rè, xấu hổ, không muốn cho tôi biết là ông có đạo, liền tỏ ra bất ngờ và nói:

-         Sao cháu biết vậy?

-         Cháu nhìn thấy hai cha con chú đang lần hạt và đọc kinh. Cháu cũng đi đạo chú ạ!

-         Oh! Vậy sao cháu!!

Ông bố vứt ngăn cách mà hào hứng hơn nói chuyện với tôi. Tôi cũng không có ác cảm với hai cha con họ nữa, nói chuyện với họ như những người thân của mình.

-         Sao có hai bố con chú đi chơi thôi ạ?

-         Cháu ah! Bố con chú đang đi tìm mẹ của đứa bé và là vợ chú.

Ông nói với giọng ngượng ngùng, có chút gì đó buồn sầu hiện rõ lên khuôn mặt người ăn mày đáng thương. Ông đã không tỏ ra cách ngăn mà chia sẻ với tôi cách chân thực.

-         Cô đó không có đạo cháu ạ! Hoàn thành phép tắc trong đạo xong rồi cưới chú, được một thời gian sinh được bé này ( chú chỉ vào đứa bé mù) rồi bé bị như thế, gia đình chú cũng nghèo, chú phải nuôi bé từ lúc còn mấy tháng tuổi, nên bé gầy gò như này! Cô đó bỏ gia đình đi, chú đã đi tìm khắp bao nhiêu năm nay mà không thấy, nhưng vẫn cố gắng vì “lẽ đạo” cháu ah!

-         Vậy ạ chú!...

Tôi thấy thương cho số phận đáng thương của gia đình họ, tôi bế đứa bé bẩn vào lòng, đưa tay vuốt từ mắt xuống, lòng bàn tay tôi bỗng có gì đó ươn ướt- nước mắt bé tràn ra. Tay nắm chặt chuỗi tràng hạt, dẫu chẳng biết hình dạng chiếc chuỗi hạt như thế nào. Đứa bé đơn sơ hỏi tôi

-         Chị ơi! Chị có ghét em không?

-         Oh! không em ah! Chị rất quý em!

-         Sao hôm chị lên tàu, bố em hỏi chị không trả lời bố em? Có phải nhìn bố em rách rưới lắm ạ? Em thì bị mù nữa…

Lúc này, tôi “đứng hình”, không biết phải trả lời đứa bé như thế nào… Thấy tôi thật đáng trách. Hai tay ôm chặt bé vào lòng, có tiếng hà hơi nhè nhẹ cố gắng phát ra từ em, trông em thật đáng thương, những giọt nước mắt lăn dài trên áo tôi, kìm nén, cố phát ra tiếng an ủi em.

-         Chị rất yêu em! Em đừng lo lắng nhé!

Người bố mỉm cười hạnh phúc, nét mặt rự sáng khi chỉ là một kẻ lang thang ăn mày. Tôi thấy nhẹ lòng…

Tôi bỏ hết đồ ăn trong balo ra và cùng ăn trưa với hai bố con họ. Chúng tôi cười nói vui vẻ như những người thân quen “tự bao giờ”…. Thời gian không thể chờ đợi, ấy vậy đã ba ngày, hai đêm tôi cùng họ đi trên con tàu mà mới chỉ quen với họ được mấy giờ đồng hồ…

-         Đêm nay là đêm cuối chúng ta cùng đi với nhau trên chuyến tàu này rồi chú ạ! Chú có buồn không?

-         Có chứ cháu! Chú rất vui khi gặp cháu trên đây.

-         Chú vào đó có kiếm việc gì làm không ạ?

-         Có cháu ah! Chú kiếm tiền nuôi sống cho “thằng nhóc”  này nữa chứ!

-         Cháu chúc chú luôn gặp được niềm vui, an lành, mãi nhớ cháu chú nhé! Cháu cho chú địa chỉ, khi nào về bắc, chú ghé qua nhà cháu.

-         Chắc chắn rồi, “cô bé cá tính”!

Ông bố hài hước, vui vẻ nói. Chúng tôi nói chuyện với nhau quên thời gian. Ông bố vẫn nhớ tới giờ đọc kinh và cầu nguyện, liền lấy trong túi áo ra chiếc tràng hạt cũ sờn chỉ xuôn và bắt đầu.

-         Cháu đọc kinh cùng bố con chú nhé!

-         Dạ chú!

Những câu kinh “ Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con xa trước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ…Amen” được ông bố “ăn mày” cất lên chậm rãi, trầm bổng, không gian trở nên thánh thiêng hơn bao giờ hết, khi đứa trẻ mù cùng tôi thưa lại, giọng em ấm áp, đơn sơ “ kính mừng Maria đầy ơn phúc đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Em lần chuỗi không sai và không thiếu một hạt nào, em như thiên thần vậy! Trông thật đẹp!! Tôi thấy mình nhỏ bé, tội lỗi. Chỉ biết cúi gằm mặt xuống, xin Thầy Chí Thánh tha thứ cho tội lỗi tôi. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má em, nụ cười rạng sáng của ông bố không thể nào phai nhạt trong tôi. Chúng tôi ôm trầm vào nhau, cái ôm của tình anh em...thắm thiết, lạ lùng…

Đêm cuối cùng, chúng tôi đã nằm chung trên những tờ báo, cùng đắp chung chiếc chăn rách rưới, bẩn thỉu mà ấm áp dường nào, cố gắng gần nhau để cảm nghiệm tình Chúa, tình người thật kỳ diệu. Tôi quyết tâm thức để tiễn hai cha con họ vào 4h sáng sớm. Nhưng đã thiếp vào giấc ngủ lúc nào nữa!...

Rồi sáng tinh mơ, tàu gần đến ga tôi xuống, tôi thức dậy, bóng dáng họ không còn ở đây, họ đã đi từ lúc nào rồi!... Hối hận khi không thức để ôm họ lần cuối, không thức để nói lời cám ơn và xin lỗi họ đã cùng đi với tôi trên chuyến tàu và dạy cho tôi bao điều. Tôi chạy chung quanh tìm họ, dáng vẻ như người mất hồn, nhưng chỉ trong vô vọng… Về lại chỗ, tôi nhìn thấy một mảnh giấy cũ, nhưng nét bút mới, biết là thư của họ để lại, tôi mau lẹ lật ra và đọc…những dòng chữ đầy lỗi chính tả “Bố con chú cám ơn cháu nhiều vì đã dúp bố con chú chên chuyến đi, chú mong một ngày lào đó chúng ta gặp nại nhau. Cháu ạ. Chên cuộc đời phải nuôn biết yêu thương, quan tâm, đùm bọc nẫn nhau cháu ah, dẫu chong chúng ta chẳng có dì, chú mong cho cháu nuôn được như thế. Cám ơn cháu dất nhiều, xin nòng thương xót chúa nuôn ban hạnh phúc cho chúng ta cháu nhé. Bố con chú đi đây.” Đọc xong, tôi không biết sao giấy đã nhòe màu nước mắt? Tôi bất định trong những suy nghĩ miên man cảm nghiệm lại tình cảm của số phận bất hạnh nơi con người hai cha con họ, hình ảnh họ cứ hiện rõ trong đầu tôi, làm tôi không thể không xiết chặt lá thư đầy cảm mến vào trong lòng. Rồi tàu cũng tới ga, tôi một mình xuống khỏi đó, hình bóng họ đi theo tôi, thật ấm áp.

Trong suốt kỳ tham qua tại chốn phồn hoa, tôi thấy mình như lạc lõng, tâm trí cứ suy nghĩ hoài về cha con họ và những mảnh tình bất hạnh, đau xót khác trong cuộc sống… mà cất cao lời Ngợi ca ơn Trên đã cho tôi gặp họ để có kinh nghiệm, cảm nghiệm về tình Chúa, tình người thật kỳ diệu, lạ lùng…Rồi tôi ngộ ra “ họ ở trên đường, tôi cũng như vậy, mỗi người chúng ta đều đang ở trên đường”.

Hoàng Anh

Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.